Nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại trên mạng xã hội, cơ quan quản lý trực tuyến Ofcom (Anh) sẽ triển khai các biện pháp kiểm tra độ tuổi bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Kế hoạch này dự kiến được công bố vào tháng 01/2015, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Theo nghiên cứu của Ofcom, có tới 60% trẻ em từ 8 đến 11 tuổi ở Anh (tương đương 1,6 triệu trẻ) sở hữu tài khoản mạng xã hội, mặc dù các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat quy định độ tuổi tối thiểu của người dùng là 13. Đáng chú ý, 1/3 số trẻ từ 5 đến 7 tuổi cũng đang sử dụng mạng xã hội mà không được người lớn giám sát.
Nghiên cứu cho thấy, 22% số trẻ em dưới độ tuổi cho phép đã khai gian tuổi để truy cập các nội dung không phù hợp. Cụ thể, 25% trẻ 8 tuổi tạo tài khoản với độ tuổi khai báo trên 16 và 14% khai mình trên 18 tuổi.
Ông John Higham, Trưởng ban chính sách an toàn trực tuyến của Ofcom nhận định: “Rõ ràng trẻ em sẽ khai gian tuổi nếu được để tự xác nhận. Đây là một vấn đề lớn cần phải giải quyết". Ofcom dự kiến yêu cầu các nền tảng mạng xã hội áp dụng các biện pháp xác minh độ tuổi tiên tiến, trong đó có công nghệ nhận diện tuổi qua khuôn mặt. Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ước tính độ tuổi người dùng dựa trên hình ảnh, đảm bảo tính chính xác cao trong việc phân biệt trẻ em và người trưởng thành.
Ông Higham nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận những biện pháp kiểm tra kém hiệu quả. Các nền tảng phải loại bỏ các nội dung độc hại và bảo vệ trẻ em khỏi tiếp cận những nội dung như bạo lực, lạm dụng tình dục hay khiêu dâm”.
Theo Đạo luật An toàn trực tuyến, Ofcom có quyền phạt các công ty công nghệ tới 10% doanh thu toàn cầu, nếu không tuân thủ các biện pháp bảo vệ trẻ em. Ví dụ, Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp có thể phải đối mặt với mức phạt lên đến 10 tỷ bảng Anh (hơn 12,5 tỷ USD). Các giám đốc điều hành cũng có thể bị phạt tù tới 02 năm nếu để công ty vi phạm nghiêm trọng.
Bộ trưởng Công nghệ Anh Peter Kyle từng tuyên bố rằng, nếu các công ty không cải thiện hệ thống xác minh độ tuổi, nước này sẽ cân nhắc lệnh cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Dù các công ty công nghệ khẳng định đã áp dụng nhiều biện pháp như quét giấy tờ cá nhân, xác minh qua phụ huynh hoặc phát hiện hành vi bất thường, phần lớn trẻ em vẫn chưa từng được yêu cầu xác minh tuổi. Chỉ 18% người dùng Instagram, 19% người dùng TikTok và 14% người dùng Snapchat được hỏi cho biết đã từng bị yêu cầu xác nhận ngày sinh. Hơn nữa, các nền tảng hiện nay vẫn cho phép người dùng thay đổi thông tin ngày sinh mà không kiểm tra kỹ lưỡng, tạo ra kẽ hở lớn trong việc kiểm soát độ tuổi.
Việc áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và các biện pháp kiểm tra độ tuổi nghiêm ngặt hơn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ trẻ em khỏi môi trường mạng xã hội đầy rủi ro. Tuy nhiên, thành công của kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty công nghệ và cơ quan quản lý. Đây không chỉ là bước tiến trong việc bảo vệ trẻ em, mà còn là cơ hội để xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn hơn cho mọi người dùng.