Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
Thứ năm - 05/12/2024 16:10870
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Xu thế phát triển tất yếu
Việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, phân tích dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), Internet vạn vật (IoT), điện toán nhận thức và dữ liệu mở là động lực chính cho sự phát triển của thị trường đô thị thông minh (ĐTTM) trên toàn thế giới.
Theo các số liệu được Precedence Research công bố vào tháng 4/2024, quy mô thị trường ĐTTM toàn cầu ước tính vượt 12.000 tỷ USD vào năm 2033, tăng trưởng với tốc độ hơn 23% từ năm 2024 đến năm 2033.
Chia sẻ tại Hội nghị về các ĐTTM, bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) diễn ra trong 2 ngày (2 - 3/12/2024), PGS. Nguyễn Quang Trung đã đại diện Nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT, trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh (TPTM) và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, nghiên cứu này đã chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển ĐTTM và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Xây dựng được công bố tại Hội nghị, cả nước có 48 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, trong đó có 18 địa phương có đề án từ trước năm 2018.
Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ…
Nhiều địa phương đã ứng dụng những giải pháp công nghệ và đã đạt được những hiệu quả tích cực thời gian qua. Một số ví dụ được nhắc đến như TP. Cần Thơ đã thí điểm hệ thống Giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường sử dụng các cảm biến IoT giúp tự động thu thập dữ liệu, hay TP Đà Lạt xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh nhằm tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng.
Nhiều “điểm nghẽn” trong xây dựng đô thị thông minh
Tại hội thảo “Thành phố thông minh: Quản trị, Điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu” diễn ra chiều 2/12, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về Dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng Thành phố thông minh chính là dữ liệu.
Theo đó, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh nhấn mạnh dữ liệu phải đầy đủ, chính xác và luôn được cập nhật để người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể truy cập thông tin nhanh chóng và kịp thời. Chúng ta phải xây dựng cơ chế kiểm soát dữ liệu và đảm bảo rằng dữ liệu không bị lỗi thời, mất tính chính xác.
Trong khi đó, cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, hiện nay các bộ ngành vẫn chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu dùng chung. Cần có một hệ thống dữ liệu toàn quốc để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ công, dù ở bất kỳ đâu.
Còn theo ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với bài toán dữ liệu, mọi thứ sẽ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các kho dữ liệu, mà cần đặc biệt quan tâm đến “khả năng liên thông giữa các kho dữ liệu”.
Ông Cù Kim Long cho rằng điều này không chỉ áp dụng ở cấp độ từng thành phố mà còn phải mở rộng ra cấp độ quốc gia, bao gồm sự kết nối giữa các thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Xây dựng, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại bốn vấn đề lớn. Theo đó, công tác Quy hoạch và Quản lý ĐTTM chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý. Phát triển ĐTTM tập trung chủ yếu vào cung cấp các dịch vụ, tiện ích gắn với dịch vụ của chính quyền điện tử.
Ngoài ra, cơ chế nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Việc nhiều địa phương chưa có cơ sử dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu không đầy đủ, liên thông chưa đồng bộ và chuẩn hóa cũng được đánh giá là một trong những thách thức lớn trong ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Ngoài ra, lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn hạn chế về số lượng; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng.
Nhiều bước chuyển quan trọng ở các địa phương
Một trong những ví dụ điển hình trong triển khai ĐTTM là là ứng dụng iHanoi được TP Hà Nội thực hiện trong năm 2024. Ứng dụng thu hút hơn 1,6 triệu tài khoản cài đặt và khoảng 16 triệu lượt tham gia tương tác từ tháng 6 đến nay.
Tại đây, ngoài việc tiếp nhận thông tin từ thành phố, người dân có thể gửi kiến nghị, phản ánh. Ứng dụng ghi nhận hơn 21.000 kiến nghị, người dân có thể phản ánh theo thời gian thực trên hệ thống.
Với các kiến nghị này, người đứng đầu của chính quyền có thể nhìn thấy và sau đó AI hỗ trợ phân công cụ thể về các bộ phận chức năng để triển khai và báo cáo bằng hình ảnh, văn bản...
Tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ứng dụng Hue-S, có thể coi là điển hình về thành công trong lĩnh vực này. Ứng dụng thu hút 70% người dân địa phương cài đặt và sử dụng thường xuyên, thậm chí có hơn 100.000 người dùng từ các địa phương khác cũng đã cài đặt.
Thành công của Hue-S là ví dụ về sự thay đổi quy trình và cách tiếp cận về thành phố thông minh, thay vì chỉ là công cụ phục vụ công tác quản lý, thì trở thành ứng dụng hướng tới người dân. Các kiến nghị của người dân khi đưa lên IOC sẽ được yêu cầu phải xử lý xong trong thời gian nhất định.
Nhờ cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, người dân Huế rất tích cực phản ánh và 90% người dùng đánh giá hài lòng, trở thành một trong những ví dụ thành công về triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam và được ghi nhận trên thế giới.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được lấy ví dụ về một địa phương xây dựng đô thị thông minh bằng các giải pháp "Make in Viet Nam". Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử dựa trên công nghệ nguồn mở, góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm nguồn mở; tạo thị trường cho doanh nghiệp địa phương phát triển. Tính đến nay, đã xây dựng và phát triển 500 sản phẩm phần mềm nguồn mở, nội dung số trong các cơ quan thành phố./.