Trung tâm Khoa học công nghệ và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Khoa học công nghệ và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Khoa học công nghệ và Truyền thông Nghệ An
Lựa chọn phát triển khoa học công nghệ là khó khăn nhưng quyết đoán
Thứ ba - 27/05/2025 15:28300
Theo Chủ tịch VINASA, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, nơi khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Từ sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua thời kỳ đổi mới, phát triển khoa học công nghệ đã được các doanh nghiệp công nghệ lựa chọn trong thời đại mới. Đó là một lựa chọn đầy khó khăn nhưng cũng rất quyết đoán.
Với chủ đề “Làm chủ công nghệ - Đột phá, Vươn mình”, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025) được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức trong 2 ngày 27 - 28/5/2025 tại Hà Nội. Diễn đàn quy tụ hơn 2.500 lượt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp (DN) công nghệ và chuyên gia đến từ 22 tỉnh thành phố trên cả nước và 16 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực.
Khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của tăng trưởng
Khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết chưa bao giờ trong lịch sử phát triển, khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số (CĐS) lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Khoa: Nghị quyết 57 là "bà đỡ" cho sự phát triển DN KHCN và ĐMST.
Bằng cảm hứng từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết đây là một bước khởi đầu quan trọng, hay có thể gọi là "bà đỡ", cho sự phát triển của DN KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
“Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới, nơi KHCN trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Từ sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, qua thời kỳ đổi mới, chúng tôi - những người đi trước - đã lựa chọn con đường phát triển KHCN trong thời đại mới. Đó là một lựa chọn đầy khó khăn nhưng cũng rất quyết đoán”, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.
Cuộc cách mạng không chỉ về công nghệ
Ông Khoa cũng nhận định: Cuộc cách mạng hôm nay không chỉ là về công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng về con người - với lực lượng nòng cốt là những kỹ sư trẻ sẵn sàng bứt phá, góp phần vào hành trình phát triển đất nước.
Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động CNTT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Các tổ chức như VINASA đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp kỹ sư cho các quốc gia này - những nơi đang rất thiếu nguồn nhân lực trẻ và có năng suất lao động cao.
Trong 5 năm gần đây, điểm đầu vào đại học ngành CNTT luôn nằm trong top cao, cho thấy sức hút của ngành đối với giới trẻ. Tuy nhiên, với hơn 50.000 DN và khoảng 1,2 triệu lao động CNTT hiện nay, con số này vẫn còn khiêm tốn.
Theo ước tính, Việt Nam cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Làm sao để kỹ năng lập trình, khả năng ứng dụng AI của người Việt đứng đầu thế giới? Làm sao để Việt Nam - một quốc gia thu nhập trung bình thấp, có thể vươn lên, chiếm lĩnh “khoảng trống” của thị trường toàn cầu?
Việt Nam đang thu hút nhiều dòng vốn FDI lớn, nhưng cần tự đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã đủ năng lực và cơ chế để giữ chân nhân tài, trả mức lương xứng đáng cho lực lượng kỹ sư công nghệ? Đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam có khoảng 50.000 DN trong lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên, phần lớn vẫn là DN vừa và nhỏ. Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT, theo dự báo, trong 10 năm tới toàn cầu cần thêm khoảng nửa triệu kỹ sư CNTT, thì đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam phát huy lợi thế dân số trẻ, đam mê công nghệ, sẵn sàng trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho thế giới.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Những công nghệ tác động đến Việt Nam và khu vực
Cũng tại Diễn đàn, ông Stan Singh, Chủ tịch ASOCIO đã chia sẻ các xu hướng công nghệ mới và các tác động đến Việt Nam và khu vực.
Ông Stan Singh chia sẻ những xu hướng công nghệ mới tác động đến Việt Nam và khu vực.
Ông Stan Singh cho rằng châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực đầu tàu tăng trưởng kinh tế số. Theo báo cáo của IDC, năm 2025, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào CĐS. Các quốc gia trong khu vực châu Á đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và CĐS.
Việt Nam tiên phong ứng dụng AI trong các lĩnh vực, trong đó có y tế (phát hiện ung thư), dịch vụ công (chatbot), và sản xuất để nâng cao năng suất và ra quyết định thông minh.
Trong khi đó, Thái Lan có 70% truy vấn chính phủ được xử lý bằng chatbot AI, cải thiện hiệu quả dịch vụ công. Malaysia ứng dụng AI hỗ trợ bảo trì dự đoán, giảm thời gian ngừng hoạt động trong sản xuất. Đài Loan và Hàn Quốc tập trung vào AI cho sản xuất bán dẫn và công nghệ cao.
Về công nghệ xanh và thông minh, Đài Loan kết hợp AI và IoT trong sản xuất thông minh để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu tác động đến môi trường. Các nền kinh tế khác trong ASOCIO đề cao công nghệ xanh như một chiến lược phát triển bền vững.
Về 5G và hạ tầng mạng, Đài Loan đã triển khai 5G toàn quốc, hỗ trợ IoT và ứng dụng thông minh. Việt Nam đầu tư mạnh vào 5G để thúc đẩy CĐS trong công nghiệp.
Về blockchain, NTT DATA (Nhật Bản) phát triển TradeWaltz, nền tảng thương mại số dựa trên blockchain, đảm bảo giao dịch xuyên biên giới an toàn và minh bạch. Trong khi, các nước khác đang khám phá blockchain để tăng cường bảo mật và tin cậy trong giao dịch.
DN công nghệ số Việt: Làm chủ công nghệ - đột phá vươn mình
Việt Nam sở hữu hơn 1.000 DN công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh CĐS toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, các DN công nghệ số Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế bằng tinh thần làm chủ công nghệ, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp trí tuệ Việt Nam, và không ngừng đổi mới để vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Với nền tảng là nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt cùng khát vọng hội nhập toàn cầu, DN Việt đang trở thành lực lượng tiên phong trong kiến tạo tương lai số, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 50% GDP vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57.
Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định đây là thời điểm vàng để DN công nghệ Việt bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường CĐS đầy tiềm năng và vươn mình ra thế giới.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ DN sử dụng nền tảng số tăng từ 30% (năm 2021) lên gần 70% (năm 2024), chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.
Chương trình CĐS Quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước… Trong khi đó, thị trường CĐS DN dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới với những chính sách ưu đãi đột phá về thúc đẩy CĐS, chuyển đổi công nghệ từ chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam, dự kiến đạt trên 20%/năm - chủ yếu được thúc đẩy bởi sự chuyển mình của khối DN.
Diễn đàn Vietnam - ASIA DX Summit 2025 là sự kiện quan trọng giúp kết nối DN, chính phủ và các tổ chức công nghệ trong nước, quốc tế để cùng hợp tác, cùng “thắng”.
Với 9 phiên hội thảo, hơn 100 diễn giả, và hơn 2.500 lượt đại biểu trong và ngoài nước tham dự, bàn thảo chuyên sâu về chính sách, nghiên cứu, hợp tác phát triển các công nghệ chiến lược: AI, IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hạ tầng và năng lượng, sản xuất xanh - thông minh, hợp tác và kinh nghiệm quốc tế.
Bên cạnh đó là hội thảo chuyên đề trình diễn giải pháp số tiên tiến, triển lãm công nghệ số và chương trình kết nối đầu tư và hợp tác (business matching) mang lại những cơ hội gặp gỡ, trao đổi hiệu quả giữa DN và nhà nước, giữa các DN trong nước và đối tác quốc tế hàng năm./.