Người dùng mạng “tuyệt đối” không truy cập những link không nguồn gốc

Thứ ba - 28/05/2024 16:24 735 0
Nếu người dùng mạng chủ quan và thiếu kiến thức, sự hiểu biết thì những “bẫy lừa đảo” trực tuyến đang gia tăng gây thiệt hại, hậu quả không lường đến người dùng.
Do vậy, để tránh những thiệt hại, hậu quả đáng tiếc cho người dùng mạng, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cũng như đưa ra các giải pháp, khuyến nghị trước thực trạng hiện nay.

Những tình huống lừa đảo đang diễn ra

Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian ngắn gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng, tổ chức chuyên lừa đảo, chiếm đoạt: tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee; chiếm đoạt tài sản qua việc ứng tiền thanh toán hộ "nhận hoa hồng"; lừa đảo xuất khẩu lao động nước ngoài đi làm việc trong ngành nông nghiệp; chiếm đoạt thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ làm hộ chiếu nhanh; lừa đảo trên nền tảng Youtube; mạo danh công y vận chuyển Fedex để lừa đảo…

Ở từng tình huống lừa đảo mạng nêu trên, thủ đoạn, mục tiêu chung chính là dựa vào điểm yếu cả tin, thiếu cảnh giác và sự tinh vi dẫn dắt, thao túng tâm lý đối với người dùng, từ đó chiếm đoạt tiền, thông tin, dữ liệu một cách phi pháp.

Cụ thể đối với trường hợp chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn TMĐT Shopee, kẻ lừa đảo dựng lên màn kịch cần tuyển đơn vị lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn mua hàng ảo, tìm kiếm mã giảm giá, áp mã giảm giá… tạo chứng từ giả lừa sàn TMĐT chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Như vậy, với hành vi trên, các đối tượng đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi của sàn TMĐT Shopee tài trợ cho người mua hàng trực tuyến.
1
Người dùng mạng cần cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online.

Đối với tình huống lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc ứng tiền thanh toán hộ "nhận hoa hồng”, các đối tượng dụ dỗ các nạn nhân qua phương thức nếu ứng trước tiền ra thanh toán hộ công ty với số tiền lớn thì được nhận % hoa hồng lớn.

Cũng như hai tình huống lừa đảo trên, việc lừa đảo xuất khẩu lao động nước ngoài đi làm việc trong ngành nông nghiệp đã được các đối tượng lừa đảo thực hiện theo phương thức mạo danh doanh nghiệp được chính phủ lựa chọn, từ đó dẫn dắt người có nhu cầu đi lao động nước ngoài phải nộp, chuyển tiền đặt cọc.

Và ở trường hợp chiếm đoạt thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ làm hộ chiếu nhanh, các đối tượng quảng cáo, chào mời, thu hút sự chú ý của nhiều người có nhu cầu đổi hộ chiếu mà “không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, gửi về tận tay, dịch vụ làm hộ chiếu nhanh chi phí thấp…”.

Các đối tượng yêu cầu người cần làm dịch vụ phải ghi, điền, cung cấp mọi thông tin cá nhân như: Ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... từ đó sử dụng các dữ liệu của khách hàng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Các tình huống lừa đảo trong nước là vậy, việc lừa đảo quốc tế diễn trên nền tảng Youtube cũng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo sử dụng các nội dung video có thật hoặc được tạo ra bởi AI thu hút và điều hướng người dùng vào nhiều mục đích khác nhau.

Đặc biệt các nội dung video lừa đảo đều được chỉnh sửa bởi công nghệ deepfake nhằm mạo danh một ai đó nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng từ đó dẫn dụ người dùng sử dụng những dịch vụ có chứa mã độc và khai thác dữ liệu của người dùng từ đó tống tiền người dùng.

Cần sự bình tĩnh, chủ động cảnh giác

Đứng trước những mối nguy hại từ các chiêu trò lừa đảo nêu trên, các cơ quan chức năng đã nỗ lực, tích cực, phát hiện và đưa ra nhiều giải pháp. Với chức năng là đơn vị giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Cục ATTT, khuyến cáo người dùng mạng: Không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

“Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm”, Cục ATTT nhấn mạnh.

Cùng với đó, đơn vị này khuyến cáo người dùng trong mọi tình huống, tuyệt đối không vội vàng tin và làm theo bất kể điều gì mà đối tượng lạ hướng dẫn. Mà cần thực hiện xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Đồng thời, người dùng mạng cần cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online và không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính.

Tuyệt đối không truy cập vào những đường dẫn không rõ nguồn gốc, các đường dẫn quảng cáo, hạn chế tối đa tải xuống những ứng dụng lạ, tránh bị đối tượng tấn công mã độc chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Và người dùng cũng nên sử dụng những phần mềm diệt virus chính thống, nâng cao bảo mật cho thiết bị cá nhân; luôn bật tường lửa trong quá trình sử dụng thiết bị không kết nối vào các wifi lạ tại nơi công cộng.

Đặc biệt, khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dùng mạng cần bình tĩnh,nhanh chóng tố giác đến cơ quan công an, các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây