Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Cần quản lý nghiêm hoạt động thông tin điện tử
Thứ sáu - 23/12/2022 15:264390
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 diễn ra sáng ngày 22/12.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Bộ, ngành, hiệp hội, các Sở TT&TT tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố, và lãnh đạo một số doanh nghiệp và cơ quan báo chí.
Hội nghị là diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ, giúp cơ quan quản lý nhìn nhận rõ những vấn đề bất hợp lý trong công tác xây dựng chính sách để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới.
Siết chặt việc cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động thông tin điện tử năm vừa qua, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tính đến ngày 30/11/2022, cả nước có 1.980 trang thông tin điện tử còn hiệu lực, trong đó có 474 trang được cấp phép bởi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. So với cùng kỳ 2021, số lượng cấp phép giảm 31,3%. Về số lượng cấp phép mạng xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp 956 giấy phép, giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, một phần nguyên nhân của sự sụt giảm này là do Bộ TT&TT chỉ đạo siết chặt việc cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Về kết quả đạt được, bên cạnh hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TT&TT đã siết chặt điều kiện cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng internet; ngăn chặn, xử lý game không phép, thúc đẩy kết nối, phát triển game Việt; xử lý tình trạng quảng cáo tràn lan vi phạm pháp luật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Về định hướng trong năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet; ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027; công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White list) và nội dung “đen” (Black list) của Việt Nam…
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh hiện nay, đồng thời kiến nghị một số giải pháp phát triển lĩnh vực thông tin điện tử, trong đó có lĩnh vực mới là quảng cáo trên không gian mạng, bên cạnh những nội dung truyền thống như trang tin, mạng xã hội; chống thông tin xấu, độc…
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về vấn đề chống "báo hóa" tạp chí, phát triển thị trường game trong nước, cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà phát triển, phát hành game Việt Nam.
Nếu cấp phép mà không quản được sẽ gây rủi ro rất lớn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh lĩnh vực thông tin điện tử bao gồm nội hàm rất rộng lớn, có sự đan xen giữa cái tốt và cái chưa tốt. Hiện nay người dùng khi lên mạng khá vất vả trong việc sàng lọc, phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin điện tử, đâu là những nguồn tin chính thống, đâu là những nguồn tin phải cảnh giác. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay có hơn 2.000 trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, trong đó có mấy trăm trang không hoạt động.
Trong khi tiêu chuẩn, điều kiện trở thành người lãnh đạo cơ quan báo chí vô cùng ngặt nghèo, thì doanh nghiệp khi đăng ký trang thông tin điện tử hay mạng xã hội có thể cử bất cứ ai, không rõ học gì ra, có thể chịu trách nhiệm về mặt nội dung.
“Chúng ta phải làm lành mạnh không gian mạng, nếu cấp phép mà không quản được sẽ gây rủi ro rất lớn. Sở TT&TT các địa phương, nhất là Sở TT&TT Hà Nội và Sở TT&TT TP.HCM cấp phép nhiều trang thông tin điện tử cần phải rà soát lại các doanh nghiệp được cấp phép trang thông tin điện tử, xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, không gian mạng còn có sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, mà trước nay vẫn bị coi là chưa chịu sự quản lý, điều khiển của pháp luật Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử hiện nay vừa có trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng đang đứng trước cơ hội rất lớn. Theo đó, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ sắp xếp lại, nắn lại dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng để nó đi vào những nội dung lành mạnh.
Ngoài ra, các điều chỉnh vĩ mô cũng sẽ được thực hiện bằng những công cụ pháp luật, công cụ kinh tế, dòng tiền để qua đó cho thấy việc làm nội dung tốt không những là trách nhiệm mà còn là quyền lợi.
Bày tỏ lạc quan về tương lai của các trang mạng xã hội Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng các mạng xã hội do người Việt sáng lập hoàn toàn có cơ hội phát triển tiếp, trở thành hệ sinh thái bổ sung. Điều quan trọng là cần tìm những hướng đi mới, những cửa ngách để phát triển và trụ vững trước cạnh tranh của các “ông lớn” nước ngoài./.