Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023
Thứ ba - 26/09/2023 10:284470
Sáng ngày 23/9/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Thành viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; ông Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Định có ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; bà Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Về phía lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam có Phó Chủ tịch Phùng Văn Ổn.
Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo một số Cục vụ liên quan của Bộ TT&TT, 800 đại biểu đến từ các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, diễn giả; doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành CNTT-TT trong cả nước.
Dữ liệu số và Nền tảng số - những thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số xác định năm 2022 là năm “Đưa người dân lên nền tảng số” còn Năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.
Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác bởi các nền tảng. Có dữ liệu thì nền tảng mới hoạt động hiệu quả. Sử dụng nền tảng thì lại sinh ra thêm các dữ liệu mới. Hai thành tố này độc lập nhưng gắn kết chặt chẽ và không thể tách rời.
Về nền tảng số, đây là cách tiếp cận chuyển đổi số rất đặc thù của Việt Nam, thay đổi từ sử dụng phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng số toàn ngành, toàn tỉnh, toàn quốc từ đó việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu mới có thể thực hiện được thông suốt. Nền tảng số để cung cấp công nghệ số như là một dịch vụ. Công nghệ số lúc đó giống như điện, như nước. Nền tảng số giống như điện lưới, như nước máy. Ai cũng có thể sử dụng, với giá rẻ, dùng đến đâu trả tiền đến đó. Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định được các nền tảng số để phổ cập rộng khắp cho ngành mình, cho tỉnh mình để triển khai đồng bộ, hợp nhất, tránh lãng phí, gây tốn kém, thiếu hiệu quả.
Về dữ liệu số, không phải phần cứng, không phải phần mềm, không phải nền tảng số, tài sản của các bộ, ngành, địa phương là chuyển đổi số. Các bộ, ngành địa phương muốn thúc đẩy chuyển đổi số tại lĩnh vực, địa bàn của mình thì cần tập trung thúc đẩy phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu của địa phương mình, thực hiện chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên ấy. Dữ liệu càng chia sẻ, càng được sử dụng nhiều thì càng tạo ra nhiều giá trị.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi Bình Định và các địa phương hãy tiên phong phát triển xã hội số, gồm 8 yếu tố đặc trưng là: mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản.
Phấn đấu xây dựng Thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những Trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước
Chia sẻ về việc triển khai chuyển đổi số tại tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, Bình Định đang phấn đấu xây dựng Thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những Trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước trong thời gian tới.
Ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng, Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT- Việt Nam là cơ hội để các địa phương trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở địa phương, nhằm từng bước xây dựng chính quyền số hiện đại, đồng bộ, góp phần tích cực cho nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chuyển đổi số là cơ hội để Bình Định và các tỉnh miền Trung bứt phá
Đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phùng Văn Ổn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết, Bình Định và Thành phố Quy Nhơn hiện đang là điểm nhấn thu hút về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở miền Trung với Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại bãi biển Quy Hòa mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu nhiều tiện ích cho giới khoa học. Mới đây FPT cũng công bố hình thành Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn cùng khát vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực, trung tâm khoa học thử nghiệm các công nghệ mới nhất của thế giới. Và ngay tại Hội thảo này sẽ ra mắt Trung tâm CNTT-TT Bình Định trong thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Chuyển đổi số chính là cơ hội để Bình Định và các tỉnh miền Trung bứt phá và tận dụng cơ hội để cải thiện ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chuyển đối số sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của cả nước nói chung, cũng như miền Trung và Bình Định nói riêng nhằm nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp.
Tại Hội thảo, Bộ TT&TT đã công bố “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam – Việt Nam ICT Index 2022”.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ tại phiên thảo luận chung theo chủ đề “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”, đồng thời bên cạnh phiên thảo luận chung còn có ba phiên thảo luận với chuyên đề: Dữ liệu và các nền tảng hỗ trợ nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số; Các nền tảng, giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ xây dựng xã hội số và phát triển kinh tế số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam./.