1. CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ QUẢNG CÁO BÁN IPHONE CHÍNH HÃNG GIÁ RẺ TRÊN MẠNG XÃ HỘI.
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang mở rộng điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng hình thức bán điện thoại di động iPhone chính hãng giá rẻ thông qua mạng xã hội.
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng và tiến hành bắt giữ. Tại đây, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội. Các đối tượng quảng cáo việc bán điện thoại di động nhãn hiệu Apple iPhone chính hãng, mới nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá giao động từ 6.990.000 đến 7.590.000 đồng trên mạng xã hội Facebook. Khi người dùng Facebook thấy điện thoại iphone được bán với giá rẻ và để lại thông tin liên hệ mua hàng gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại và lựa chọn loại máy để mua. Sau đó các đối tượng sử dụng số điện thoại rác, Zalo không chính chủ với tên gọi “Ngọc SP”, “Phương SP”, “Hằng SP”, “Phương SP”… để liên hệ tư vấn bán hàng và cam kết với khách hàng đây là điện thoại di động iPhone chính hãng, còn nguyên seal và được bảo hành chính hãng 12 tháng. Khi khách hàng đồng ý mua hàng, các đối tượng gửi hàng cho khách thông qua dịch vụ giao hàng thu hộ và yêu cầu khách hàng phải thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng rồi mới cho nhận hàng để kiểm tra. Nhưng trên thực tế, hàng các đối tượng dùng để gửi cho khách chỉ là điện thoại di động giả, có bề ngoài gần giống với điện thoại iPhone chính hãng.
Trước tình trạng trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
2. TẠO LẬP TÀI KHOẢN FACEBOOK, LỪA ĐẢO BÁN VÉ MÁY BAY ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN.
Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Khả Ái (SN 2006, trú tại xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc tạo lập tài khoản Facebook ảo sau đó lừa đảo bán vé máy bay qua mạng.
Tại cơ quan Công an, Trần Khả Ái khai nhận do không có công ăn việc làm nên đã lập Facebook tên "Ngọc Minh" (sau đổi tên lần lượt thành "Uyen Tran" và "Tran Nhu Hao" đăng tải thông tin hiển thị như một trang đại lý bán vé máy bay chuyên nghiệp. Sau đó, đối tượng đăng bài lên các hội nhóm mua bán vé máy bay nhằm thu hút khách hàng. Khi có khách hàng tiếp cận mua vé máy bay và chốt đơn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng mà đối tượng gửi. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lập tức chặn liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt tiền.
Theo điều tra, đối tượng mà Trần Khả Ái tiếp cận chủ yếu là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài đang có nhu cầu đặt vé về nước hoặc thăm thân. Chính vì vậy, việc tìm kiếm bị hại rất khó khăn cho lực lượng Công an.
Trước tình trạng trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín. Cần tuyệt đối tỉnh táo trước yêu cầu cọc giữ chỗ và website giả mạo, chỉ nên tin tưởng những trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
3. CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO "VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO" CÓ DẤU HIỆU RẦM RỘ TRỞ LẠI.
Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa cộng tác viên online "việc nhẹ lương cao" bắt đầu rầm rộ trở lại. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các câu chuyện bị lừa đảo trực tuyến hoặc lên các hội nhóm hỏi xác minh về những lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.
Liên tiếp thời gian gần Chị N.T.T (Hà Nội) chia sẻ, chị được một người mời tham gia công việc vừa có thể làm qua mạng lại vừa có chiết khấu cao, chỉ cần gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… để nhận tiền hoa hồng từ các shop (trung bình 10.000 - 500.000 đồng/sản phẩm).
Để tham gia công việc này, các đối tượng yêu cầu chị T. phải bỏ ra một khoản phí là 399.000 đồng và sau đó thêm chị vào một nhóm trên Telegram. Đối tượng tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách giả mạo thành viên trong hội nhóm, liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu chị T. gửi tiền đối ứng cọc giá trị, lấy lý do hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Khi nạn nhân phát hiện ra thì cũng đã bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc.
Theo đó,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục đưa ra cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân trước chiêu trò trên. Người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
4. HÀ NỘI: NGHE CUỘC GỌI LẠ TỪ ĐỐI TƯỢNG GIẢ DANH CÁN BỘ CÔNG AN, NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ CHIẾM ĐOẠT HƠN 1,4 TỶ ĐỒNG.
Theo đó, ngày 17/1, bà T. (SN 1965, Tây Hồ, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng nói bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.
Sau khi kết bạn qua mạng xã hội Zalo, bà nhìn thấy một người mặc trang phục công an nhân dân trong video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Ngay lập tức, bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng vì lo sợ và tin tưởng do nhìn thấy hình ảnh thông qua cuộc gọi video. Ngay sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.
Theo đó, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Môi trường trên không gian đang ngày càng trở nên phức tạp, để phòng tránh tình trạng trên tái diễn,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người cao tuổi trong gia đình để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
5. THANH HÓA: HÀNG LOẠT NGƯỜI DÂN SẬP BẪY CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO ĐẦU TƯ ONLINE, BỊ CHIẾM ĐOẠT LÊN TỚI HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG.
Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các ứng dụng tại nước ta không phải là một hình thức lừa đảo mới. Song đến nay, vẫn còn nhiều người thiếu hiểu biết, trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo ngày càng bài bản và tinh vi này.
Bà Nguyễn Thị H. (hơn 60 tuổi, trú TP. Thanh Hóa), nạn nhân trong vụ lừa đảo do cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại cho biết, được một người bạn giới thiệu về việc tham gia đầu tư tài chính kiếm tiền nhanh. Vì tin tưởng, lần đầu, bà đầu tư vào 4 triệu đồng, nhận về được tiền gốc và 1,6 triệu đồng tiền lãi. Đỉnh điểm, bà H. nộp số tiền đầu tư lên tới con số hơn 360 triệu đồng nhưng ngay sau đó ứng dụng bị sập, không thể truy cập, bà H. mới vỡ lẽ mình bị lừa. Theo bà H., các chiêu trò của họ rất tinh vi và công khai. Không chỉ tư vấn trực tuyến qua Zalo, tin nhắn, họ còn tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại khách sạn lớn trên địa bàn TP. Thanh Hóa.
Có thể thấy, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để khiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các tổ chức sẽ chuyển sang một tên miền khác và tự đánh sập sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.
Mặt khác, các tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ người chơi, bằng cách trong thời gian đầu, các app đầu tư sẽ để người chơi sinh lời cao. Ngoài ra, đối tượng còn tạo ra các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên các mạng xã hội và mời các thành viên vào nhóm. Những người đứng ra chia sẻ tự xưng là các chuyên gia, người đại diện của doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm, được xây dựng hình ảnh, hồ sơ cá nhân hào nhoáng, sang chảnh nhằm tạo thiện cảm và gây dựng lòng tin với mục tiêu mà họ nhắm đến. Khi người chơi tin tưởng, đầu tư với những khoản tiền lớn thì các tổ chức lừa đảo dùng các chiêu thức để chiếm đoạt tiền.
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng. Tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng. Tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.
Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại
Cổng không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn)
Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của trang
Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao.khonggianmang.vn)