Sẽ công khai các nhãn hàng, nền tảng quảng cáo trên mạng có sai phạm

Thứ năm - 01/12/2022 10:59 629 0
Một giải pháp sẽ được Bộ TT&TT triển khai về hoạt động quảng cáo trên mạng là công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo và trang thông tin điện tử vi phạm.
Nhiều nhãn hàng, thương hiệu Việt bị gắn tràn lan vào nội dung xấu độc

Để đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam và phổ biến các giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới, với vai trò của cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng, chiều ngày 30/11, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cùng đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội có liên quan.
 
1
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì hội nghị.

Theo đại diện Bộ TT&TT, sau khi Nghị định 70 năm 2021 về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới như tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn Nghị định; thanh, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức làm việc gần 45 doanh nghiệp, nhãn hàng có vi phạm và đã xử phạt 15 doanh nghiệp với 210 triệu đồng; công bố 73 trang trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật...
 
2
Theo ông Lê Quang Tự Do, YouTube và Facebook cho người dùng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền/cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.

Tuy vậy, trao đổi tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, quảng cáo trên mạng hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài còn chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ cho cơ quan quản lý; YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
 
3
Quảng cáo gắn vào video xấu độc trên YouTube.

Các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo cũng chưa bảo đảm hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc bảo đảm an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm còn chưa triệt để.
 
4
Quảng cáo gắn vào Instant Articles nhảm nhí trên Facebook.

Với các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan, trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Black List).

Hậu quả là, trên không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook…

Xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn

Trao đổi tại hội nghị, đại diện công ty quảng cáo Đất Việt, ông Huỳnh Long Thủy cho biết, quảng cáo trên mạng xã hội hiện chiếm phổ biến vì thu hút một lượng lớn người xem thông tin. Do vậy, đòi hỏi nhà quảng cáo luôn phải tìm cách kiểm soát quảng cáo xuất hiện an toàn cho nhãn hàng.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, hiện có những đối tượng sử dụng ít chi phí để đưa ra các quảng cáo bẩn ảnh hưởng đến quảng cáo trên mạng xã hội.

“Chúng tôi mong rằng Bộ TT&TT sẽ có biện pháp quyết liệt để xử lý các đối tượng này”, bà Nguyễn Thu Giang chia sẻ.
 
5
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, Bộ TT&TT sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định.

Để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.

“Mục tiêu của các giải pháp là ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Các doanh nghiệp quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu”, Thứ trưởng cho biết.

Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

“Bộ TT&TT sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT đã xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng của Việt Nam (White List) gồm: Báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để tham gia vào White List và sẽ được Bộ xác nhận.

Dự kiến, White List sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cục PTTH& TTĐT vào đầu năm 2023

Tác giả: Vân Anh

Nguồn tin: Công nghệ số & Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây