Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Nghệ An: Ngăn ngừa tin giả trong phòng chống dịch bệnh Covid - 19
Thứ hai - 20/09/2021 16:466410
Trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các hoạt động tiên phong, trực diện như việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, đảm bảo an sinh xã hội… thì việc bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt là thông tin trên không gian mạng, cũng được chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Không thể phủ nhận, khi dịch Covid 19 bùng phát, điều người dân quan tâm, chờ đón hàng ngày, hàng giờ đó là các tin tức về hoạt động phòng chống, khám, chữa bệnh … trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hình thức truyền tải thông tin người dân khai thác chủ yếu là thông tin trên môi trường mạng, các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, đặc biệt là thông tin qua mạng xã hội (các tài khoản Facebook cá nhân). Do đặc thù của nguồn tin điện tử, các thông tin này được lan truyền nhanh chóng, hiệu quả song cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao về an ninh thông tin.
Để đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid19 trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trong đó phải kể đến biện pháp hữu hiệu là tăng cường công tác thông tin chính xác, kịp thời trên các nguồn tin chính thức như: các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền qua báo điện tử, trang thông tin của các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của các cơ quan đảng, nhà nước…
Đồng thời nhiều tài khoản mạng xã hội của các cơ quan cấp tỉnh, các cơ quan xã, phường, thị trấn, cơ quan công an (như: Tin tức phòng, chống Covid-19 tỉnh Nghệ An; Công an Nghệ An, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An …) cũng được thiết lập phục vụ nhu cầu truyền tải thông tin về dịch bệnh. Các tài khoản mạng xã hội này cũng đã góp phần cập nhật thường xuyên các tin tức cho hàng chục nghìn lượt người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm. Ngoài việc cập nhật tin tức về phòng chống dịch bệnh Covid đã được truyền tải chính xác, nhanh chóng, kịp thời, kênh thông tin này còn góp phần ghi nhận ý kiến phản biện của người dân khi tiếp nhận thông tin, chính sách.
Hoạt động đăng tải các thông tin đã chú trọng đảm bảo bảo vệ bí mật đời tư của các cá nhân liên quan, đặc biệt là các bệnh nhân Covid 19, tránh bị lan truyền, khai thác bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Vì vậy, các tin tức chính thống trong công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh được cập nhật kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng (chủ chốt là Sở Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Phòng PA05 của Công an tỉnh, công an các huyện, thành thị) đã tăng cường theo dõi, rà soát các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn trên địa bàn nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về an ninh thông tin.
Theo thông tin từ Cục an toàn thông tin - Bộ TTTT, từ khi dịch Covid - 19 bùng phát đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đăng tải trên mạng xã hội. Trong đó có nhiều tin bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt chia sẻ, bình luận…Các cơ quan chức năng đã làm việc với 654 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 146 người” (Nguồn Dangcongsan.vn). Từ đó có thể thấy, việc đăng tải thông tin giả, sai sự thật diễn ra phức tạp và tác động đến một số lượng độc giả tương đối lớn.
Các đối tượng lợi dụng môi trường mạng thực hiện tạo, đăng phát, lan truyền các thông tin sai sự thật về diễn biến dịch bệnh Covid 19, các chính sách của Nhà nước để phòng chống dịch với nhiều mục đích khác nhau. Có những người cố ý tạo thông tin giả vì lợi ích kinh tế, “câu view”, “câu like” nhưng cũng có những người lan truyền thông tin cũng chỉ vì thiếu hiểu biết. Dù vậy, bất kể nguyên nhân mục đích là gì thì ít nhiều đều gây nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân. Hậu quả của các tin tức giả gây ra có thể là dễ dàng nhìn thấy được như: việc hàng trăm người dân đổ xô tích trữ thực phẩm gây hiện tượng hàng hoá khan hiếm giả tạo, cục bộ, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo, cố tình di chuyển khỏi nơi cư trú không tuân thủ khai báo y tế… nhưng cũng có những thiệt hại khó đong đếm được đó là lòng tin của nhân dân trong công cuộc đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh của chính quyền, nhân dân địa phương.
Chính vì vậy, việc xử lý các vi phạm hành chính về an toàn thông tin trên không gian mạng cũng được triển khai quyết liệt, kịp thời. Các đối tượng đăng thông tin giả mạo, sai sự thật đều được xử lý trong vòng 24 giờ khi xảy ra hành vi để ngăn chặn tối đa hậu quả có thể gây ra. Chỉ tính riêng trong năm 2021, trên đại bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra hàng chục vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid 19. Trong đó đối tượng vi phạm chủ yếu là người sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook. Cá biệt có những đối tượng vi phạm là nhà báo, phóng viên của các đơn vị truyền thông. Các cơ quan chức năng đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính 14 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước 95 triệu đồng, thực hiện cảnh cáo nhắc nhở răn đe 60 đối tượng. Đồng thời, buộc các đối tượng vi phạm thực hiện gỡ bỏ, đính chính thông tin và đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi người đọc trên trang thông tin của mình.
Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đang được Bộ Công an xây dựng trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tạo, lan truyền thông tin giả mạo, sai sự thật … trên môi trường mạng sẽ phải nhận mức chế tài cao hơn nhiều lần so với quy định hiện hành (có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 60 triệu đồng tùy thuộc tính chất hành vi, mức độ hậu quả gây ra).
Tuy nhiên, người bên cạnh việc áp dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng, hạn chế những sai phạm không đáng có, giải pháp căn cơ nhất nhất vẫn là ở ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng thẩm định thông tin, cũng như ý thức, trách nhiệm xây dựng, đảm bảo an toàn thông tin của người thiết lập, cung cấp, lan truyền thông tin cũng như người khai thác thông tin trên môi trường mạng. Có thể coi đó là một trong những cơ chế “tự miễn” bền vững để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, an toàn.