Giải pháp tăng cường bảo mật trước thách thức an ninh mạng

Thứ năm - 27/03/2025 14:13 29 0
Ngay nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận thì các nguy cơ, thách thức đặt ra đối với an ninh mạng đang ngày càng hiện hữu, không gian mạng trở thành đấu trường căng thẳng với hàng loạt mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi. Năm 2024 và đầu năm 2025 đánh dấu sự bùng nổ của các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, tổ chức và cả cá nhân. Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), sự mở rộng của Internet vạn vật (IoT) và các lỗ hổng bảo mật trong hệ thống đám mây đã khiến các tổ chức trở thành mục tiêu dễ dàng của tội phạm mạng. Theo các chuyên gia, tội phạm mạng không chỉ nhắm vào tài sản tài chính mà còn khai thác thông tin cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp và cả cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trước tình hình này, việc nâng cao nhận thức và triển khai các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ là điều tất yếu để đảm bảo an toàn thông tin trong kỷ nguyên số.
 
z5063754491129 2439a2cefb7aab125e7cb736eef1ccab 1705031249182
Chuyên gia theo dõi, giám sát, phát hiện xử lý sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng
Những mối đe dọa an ninh mạng nổi bật:

Theo báo cáo của các chuyên gia An toàn thông tin, trong năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận 1.300 cuộc tấn công mạng lớn, bao gồm các vụ tấn công DDoS, đánh cắp dữ liệu và khai thác các lỗ hổng bảo mật phần mềm. Trong đó, 46,15% doanh nghiệp thừa nhận đã bị tấn công ít nhất một lần, thậm chí 6,77% tổ chức phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục.

1. Mã độc tống tiền: Ransomware

Ransomware tiếp tục là mối đe dọa đáng lo ngại, khi các nhóm tin tặc ngày càng tinh vi hơn trong việc mã hóa dữ liệu và đòi tiền chuộc. Các cuộc tấn công dạng này không chỉ nhắm vào doanh nghiệp mà còn lan rộng đến các tổ chức chính phủ, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng quan trọng. Tội phạm mạng đang tận dụng AI để nâng cao mức độ chính xác và quy mô của ransomware, khiến việc phát hiện và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

2. Tấn công giả mạo và lừa đảo trực tuyến

Kỹ thuật tấn công giả mạo (phishing) ngày càng tinh vi, khi kẻ xấu lợi dụng deepfake, AI và các công cụ tự động hóa để tạo ra những chiến dịch lừa đảo thuyết phục hơn. Những email giả mạo (email phishing), trang web lừa đảo hay tin nhắn độc hại đang trở thành công cụ hữu hiệu để đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài khoản.

3. Lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

AI không chỉ được sử dụng để phòng thủ mà còn trở thành vũ khí nguy hiểm trong tay tội phạm mạng. Các phần mềm độc hại ứng dụng AI có thể tự động thay đổi hành vi, tránh bị phát hiện và khai thác lỗ hổng với độ chính xác cao. Hơn nữa, AI còn hỗ trợ tin tặc trong việc phân tích dữ liệu đánh cắp, tối ưu hóa các cuộc tấn công APT (Advanced Persistent Threat) và tự động hóa các chiến dịch lừa đảo quy mô lớn.

4. Các cuộc tấn công vào IoT

Sự bùng nổ của thiết bị IoT kéo theo nguy cơ gia tăng tấn công vào hệ thống này. Nhiều thiết bị thông minh như camera giám sát, hệ thống điều khiển công nghiệp và thiết bị y tế kết nối mạng không có đủ cơ chế bảo mật mạnh mẽ, trở thành điểm yếu để hacker lợi dụng.

5. Lỗ hổng bảo mật trong điện toán đám mây

Việc di chuyển dữ liệu và hệ thống lên nền tảng đám mây giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn nhưng cũng mang lại rủi ro lớn. Nếu không được bảo vệ đúng cách, dữ liệu lưu trữ trên đám mây có thể bị tấn công, đánh cắp hoặc phá hoại, gây tổn thất nghiêm trọng cho doanh nghiệp và mất rất nhiều thời gian để khôi phục.
 
viettel 2 17322692673871188213986
Ông Trần Minh Quảng, Giám đốc sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel phát biểu tham luận tại
Hội thảo Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2024

Nguyên nhân dẫn đến gia tăng rủi ro an ninh mạng
  1. Ứng dụng công nghệ mới chưa có biện pháp bảo vệ đầy đủ: AI, IoT, blockchain và các công nghệ mới đang được triển khai nhanh chóng, nhưng hệ thống bảo mật chưa theo kịp.
  2. Thiếu nhận thức về an toàn thông tin: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm từ không gian mạng, dẫn đến việc bảo mật lỏng lẻo và rất dễ bị lừa và tấn công qua mạng.
  3. Thiếu hụt nhân lực an ninh mạng: Đội ngũ chuyên gia an ninh mạng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi.
  4. Sự phát triển của tội phạm mạng có tổ chức: Các nhóm tin tặc hoạt động chuyên nghiệp hơn, có nguồn lực tài chính mạnh và sử dụng công nghệ cao để thực hiện tấn công có chủ đích.

Giải pháp tăng cường bảo mật trước thách thức an ninh mạng
  1. Định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu ngoại tuyến “offline”. Với chiến lược sao lưu dữ liệu theo nguyên tắc 3-2-1: có ít nhất 03 bản sao dữ liệu, lưu trữ bản sao trên 02 phương tiện lưu trữ khác nhau, với 01 bản sao lưu ngoại tuyến “offline” (sử dụng tape/USB/ổ cứng di động,…). Dữ liệu sao lưu offline phải được tách biệt hoàn toàn, không kết nối mạng, cô lập để phòng chống tấn công leo thang vào hệ thống lưu trữ.
  2. Triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ.
  3. Triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp giám sát an toàn thông tin, để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ tấn công mạng đối với cả 3 giai đoạn: (1) xâm nhập vào hệ thống; (2) nằm gián điệp trong hệ thống; (3) khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống.
  4. Phân tách, kiểm soát truy cập giữa các vùng mạng và chuyển đổi, nâng cấp các ứng dụng, giao thức, kết nối lạc hậu, không còn được hỗ trợ kỹ thuật sang phương án sử dụng các nền tảng, ứng dụng để giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng leo thang.
  5. Tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp kẻ tấn công có được tài khoản quản trị.
  6. Rà soát, khắc phục và không để xảy ra các lỗi cơ bản dẫn đến mất an toàn hệ thống thông tin.
 
20230929 02
Tập huấn về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT tỉnh Nghệ An

Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc nâng cao ý thức bảo mật và áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là điều tất yếu. Doanh nghiệp và tổ chức cần chủ động đầu tư vào an ninh mạng để bảo vệ tài sản số và duy trì sự ổn định trong môi trường kỹ thuật số đầy biến động. Việc phòng ngừa hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tác giả: Nguyễn Văn Thương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây